“Tối đến là sợ lắm, tôi không dám ra đường vì lầy lội, đầy ổ gà ổ voi, trong khi đèn đường thì chỗ có chỗ không…” – Bà Nguyễn Thanh Xuyên, ở số 290, đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q. Tân Bình vừa rụt cổ vừa nói về con đường nơi bà đang sống. Anh Bùi Văn Tuấn người cùng xóm với bà Xuyên và đang kinh doanh hàng ăn sát mặt đường nói: “Đường này vốn đã khó đi lắm rồi, từ vài tháng nay ban đêm lại càng khó đi vì đèn bị cắt giảm bớt, đường sá trở nên tối om. Nhiều người đi đường đã bị “đo ván”, nhất là những người lạ”.
Vợ anh Tuấn chỉ vũng lầy to trên đường, án ngữ trước mặt nhà, kể: “Cách nay một tuần, một ông già chừng 60 tuổi chở đứa cháu gái khoảng 13-14 tuổi đi ngang qua đây và đã bị ngã úp, cả người lẫn xe lao xuống vũng sình chỉ vì tối quá không nhìn ra vũng lầy xảy ra tai nạn”.
Cũng như bà Xuyên, anh Tuấn, thời gian gần đây, nhiều bạn đọc và nạn nhân đã phản ánh đến báo Tiền Phong về việc các tuyến đường bỗng trở nên “tăm tối” hơn so với mọi khi. Và điều này đã gây không ít khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch Cty Chiếu sáng công cộng (CSCC) TP.HCM cho biết: Từ cuối tháng 5/2005, Cty CSCC triển khai kế hoạch cắt giảm 50% số lượng đèn trên các tuyến đường phố, quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng theo chỉ thị của UBND TP.HCM.
Kể từ khi thực hiện việc tiết giảm đèn CSCC, tiền điện giảm từ khoảng 5,3 tỷ đồng xuống còn gần 4 tỷ đồng/ tháng và mỗi tháng tiết kiệm 1-1,5 tỷ đồng.
Về phương thức chung: Cắt xen kẽ, cứ giữa hai trụ đèn sáng thì có một trụ đèn tối và luân phiên giữa các trụ sau 15 ngày. Thời gian mở đèn đường chậm hơn bình thường khoảng 30 phút đến một giờ, tùy theo thời tiết và địa điểm cụ thể.
Thời gian tắt đèn đường cũng sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây. Đối với những tuyến đường, vị trí quan trọng hoặc những khu vực ngoại thành đường vắng nhà thì vẫn để đèn sáng nguyên như trước. Đặc biệt, tại các nút giao thông quan trọng, các ngã ba, ngã tư sẽ không cắt giảm đèn đường…
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều tuyến đường, đoạn đường việc cắt đèn đường đã gây ra nhiều xáo trộn và khó khăn cho việc lưu thông, và không ít tai nạn xảy ra do việc thiếu đèn đường. Lúc 21 giờ ngày 9/9, trên đường Bến Chương Dương (Q.1), đoạn trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM, hai chiếc xe máy đi ngược chiều đã húc vào nhau, vì người điều khiển xe… không thấy đường đi.
Khu vực này đang được giải tỏa để thi công hầm Thủ Thiêm, một phần lớn diện tích mặt bằng khu vực này đang được sử dụng vào các công trình ngầm. Hàng rào sắt chắn ngang một nửa mặt đường, nhưng lại không có đèn báo hiệu, trong khi những trụ đèn đường ở khu vực này đều bị tắt. Những người đi đường trở nên chới với, nhất là khi bị ánh sánh chập choạng của những ngọn đèn bảo vệ trong tòa nhà ngân hàng hắt vào mắt.
Khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, trên đường Nguyễn Văn Quỳ, P. Phú Thuận, Q.7 cũng xảy ra một vụ tại nạn tương tự và nguyên nhân cũng vì đường tối. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngay tại thời điểm xảy ra tai nạn: trụ đèn ngay nơi tai nạn xảy ra (trước cửa nhà số 33A) không được bật sáng, trong khi một bên đoạn đường này không có nhà, nhiều cây cối.
Những cảnh sát làm nhiệm vụ phải nhờ đến đèn pha ô tô mới có thể đo, vẽ hiện trường.
Người bị tai nạn là chị Nguyễn Thị Ái Hương xác nhận: “Tôi cảm thấy ánh sáng đường không đủ cho người đi đường nhận ra nhau từ xa nên tai nạn xảy ra cũng là dễ hiểu”.
Một mặt khẳng định vẫn đảm bảo đủ ánh sáng cho việc lưu thông của người và xe cộ khi cắt giảm đèn đường; mặt khác ông Tâm cũng thừa nhận có nhiều người dân gọi điện đến Cty CSCC than phiền vì bỗng nhiên đường phố bị tối quá.
Ông Tâm cũng cho biết, Cty CSCC đã có văn bản đề nghị được tái lập toàn bộ đèn đường vào ban đêm như trước đây để bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự. Song, ngày 14/9/2005 Sở Giao thông công chính TP.HCM yêu cầu (văn bản số 1981/GTCG-GT) Cty CSCC vẫn thực hiện đúng như kế hoạch đang triển khai.
Việt Báo (Theo_Tien_Phong) |
|
|